Mở rộng xuất khẩu gạo sang các thị trường lân cận

(Chinhphu.vn) – Giá trị xuất khẩu gạo 9 tháng đầu năm đã giảm 9,8% so với cùng kỳ 2018. Nhiều nguyên nhân được Bộ NN&PTNT chỉ ra, trong đó nguyên nhân căn bản là do tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, nhiều thị trường nhập khẩu gạo chủ lực của Việt Nam giảm nhu cầu nhập gạo. Cần thúc đẩy mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khu vực, lân cận.

Ngành hàng gạo đang đứng trước cạnh tranh, đòi hỏi phải thay đổi mạnh mẽ – Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) thông tin, khối lượng gạo xuất khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt 5,2 triệu tấn và 2,24 tỷ USD, tăng 5,9% về khối lượng nhưng giảm 9,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Philippines hiện đang đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với hơn 36% thị phần.

Trong tháng 9, trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu Ấn Độ tăng nhờ đồng Rupee hồi phục. Đồng Baht tăng trở lại giúp giá gạo Thái Lan ổn định ở mức cao trong gần 1 năm qua và đắt hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác ở châu Á. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ ảm đạm giữ giá gạo Việt Nam ở mức thấp gần 12 năm.

Giá gạo đồ 5% tấm Ấn Độ tăng từ 366–374 USD/tấn lên 373-379 USD/tấn. Gạo 5% tấm của Thái Lan giảm từ 410-422 USD/tấn xuống 400-418 USD/tấn. Đáng chú ý, gạo 5% tấm của Việt Nam giá giảm từ 325-330 USD/tấn xuống 325 USD/tấn.

Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn phân tích: Trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua, giá gạo tại thời điểm thấp nhất là khoảng 325 USD/tấn. Tại thời điểm đó, giá gạo Thái Lan khoảng 350-360 USD/tấn. Khó khăn trong xuất khẩu lúa gạo chủ yếu bắt nguồn từ khó khăn tại thị trường Trung Quốc, đặc biệt khi xuất khẩu qua đường biên mậu.

“Lượng gạo tồn kho của Trung Quốc khá cao. Gần đây, Trung Quốc liên tục xả kho gây khó khăn. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tiến hành kiểm soát chặt vấn đề chất lượng, đa dạng hóa thị trường cung cấp gạo cho Trung Quốc, điển hình là thị trường Myanmar, Campuchia…”, ông Thắng nói.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, ngay từ cuối năm 2018, Bộ NN&PTNT đã xác định xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn về thị trường. Khó khăn thấy rõ là các thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam, nhất là Trung Quốc, Indonesia, Banglandesh đều giảm nhập khẩu. Trong đó, thị trường Trung Quốc giảm mạnh cả về sản lượng lẫn kim ngạch.

“Với thị trường Trung Quốc, hiện nay có thêm các  nước tham gia cung cấp gạo cho Trung Quốc. Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ khác. Bên cạnh đó, có những thời điểm Trung Quốc tiến hành xả kho gạo dự trữ. Ngoài ra, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc chưa đạt được kiểm tra an toàn chất lượng…”, ông Toản nói.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, gạo là mặt hàng xuất khẩu truyền thống, phải cạnh tranh để thay đổi, phát triển. Giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo trong thời gian tới được ông Toản chỉ ra là phải thúc đẩy gỡ khó trong xuất khẩu sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, một số thị trường xuất khẩu khác cần đẩy mạnh là Philippines, châu Phi…

Trước đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã nhấn mạnh: Về lâu dài, chiến lược hướng đến là giảm diện tích trồng lúa, không thể giữ diện tích như hiện nay, chuyển đổi sang các đối tượng nuôi trồng, sản xuất khác hiệu quả hơn.

“Hiện nay, các cơ quan nghiên cứu, quản lý đang tổng hợp để đề xuất. Chúng ta vẫn giữ vững an ninh lương thực và xuất khẩu một phần phù hợp. Về thị trường xuất khẩu cần thúc đẩy, mở rộng các thị trường khu vực châu Phi, Trung Đông; những thị trường có khoảng cách địa lý gần như Indonesia, Philippines…”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá trong cuộc họp báo quý III của Bộ NN&PTNT:  Năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn thế giới chậm lại nên nhu cầu tiêu thụ lúa gạo cũng giảm đi; đồng thời các quốc gia cũng cố gắng chủ động một phần. Ngoài ra, các hàng rào kỹ thuật, tiêu chí về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cũng là yếu tố gây khó khăn cho hàng nông lâm, thủy sản  Việt Nam. “Một số địa phương, đơn vị chưa đáp ứng được các tiêu chí dù Bộ đã hướng dẫn, đôn đốc nhưng sức lan tỏa chưa lớn”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Đỗ Hương

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin tức liên quan